Khái niệm hợp đồng là gì? Có những loại hợp đồng nào? Nội dung của hợp đồng được pháp luật quy định như thế nào?
Khái niệm hợp đồng
Theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
So với định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật dân sự 2005 có thể nhận thấy định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015 có một sự tiến bộ đáng kể: Nếu Điều 394 Bộ luật dân sự 2005 sử dụng thuật ngữ “Khái niệm hợp đồng dân sự” thì Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 đã bỏ đi cụm từ “dân sự” và chỉ để “Khái niệm hợp đồng”. Định nghĩa này thể hiện sự tiến bộ và hợp lý bởi lẽ khái niệm hợp đồng vừa thể hiện sự ngắn gọn, súc tích vừa mang tính khái quát cao được hiểu là bao gồm tất cả các loại hợp đồng theo nghĩa rộng (hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế, hợp đồng chuyển giao công nghệ…) chứ không chỉ là các hợp đồng dân sự theo nghĩa hẹp đơn thuần.
Các loại hợp đồng
Các loại hợp đồng cơ bản chủ yếu sau:
– Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
– Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
– Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
– Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
– Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
– Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.
Hình thức của hợp đồng
Hình thức của hợp đồng là cách thức thể hiện sự thỏa thuận của các bên. Hình thức của hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Có một số hợp đồng bắt buộc phải công chứng như Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất… còn lại thì không yêu cầu bắt buộc công chứng.
Nội dung của hợp đồng
– Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
– Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
+ Đối tượng của hợp đồng;
+ Số lượng, chất lượng;
+ Giá, phương thức thanh toán;
+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
+ Phương thức giải quyết tranh chấp.
Hiệu lực của hợp đồng
Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
XEM THÊM >>> Hợp đồng điện tử theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành
Commentaires